Trang

Mai mai offline

 

Trời lại mưa, những cơn mưa đầu mùa làm tôi nhớ tới hồi mới gặp anh trên mạng. Thuở đó mùa mưa cũng vừa mới đến, còn tôi thì mới biết truy cập Internet... Những cuộc trò chuyện trên mạng đã làm cho tôi cảm thấy mình gần gũi anh hơn. Mỗi sáng, sau khi tỉnh giấc, công việc đầu tiên tôi làm là kết nối với Internet, đánh thức anh bằng phím Ctrl+G, buzz anh một cái rồi hét toáng: "Dậy thôi, sáng rồi". Anh cười và trả lời bằng một cú buzz tương tự: "Dậy rồi"...

Thời gian cứ thế trôi qua, lần nào gặp anh offline, tôi cũng buzz anh một cái vào sườn và nói: "Nhìn anh offline ngộ hơn online nhiều". Dù chuyện gặp nhau online và offline càng ngày càng thường xuyên hơn nhưng tôi vẫn không bỏ thói quen buzz anh mỗi sáng. Mỗi lần thấy tên anh trong danh sách bạn bè đang online, tôi cảm thấy thật dễ chịu. Ba năm sau ngày chúng tôi gặp nhau, anh chuyển công tác về tỉnh. Mỗi sáng, dù không còn thấy tên anh trong danh sách bạn bè đang online, tôi vẫn buzz anh một cái... Mỗi lần, từ tỉnh về offline với tôi, anh đều buzz tôi một cái vào trán: "Em làm tràn cái offline list của anh đó"...

Thế rồi có một ngày, người thân của anh báo với tôi rằng không bao giờ anh còn có thể online được nữa, anh đã mãi mãi offline. Tôi nhận tin đó trong bàng hoàng. Tôi bỏ thói quen online mỗi sáng ngay khi vừa tỉnh giấc, để không buzz rồi gọi anh thức nữa, anh đang yên giấc mà... Sáng ấy, đúng vào ngày kỷ niệm chúng tôi biết nhau, tôi online, định buzz anh như một cách tưởng niệm người đã khuất thì bỗng nhiên tên anh trong danh sách bạn bè đang online sáng lên, tim tôi muốn ngừng đập khi thấy anh buzz tôi: "Tuy anh không còn có thể online để trò chuyện với em như trước nữa nhưng anh vẫn muốn nhắc - Dậy đi em". Kèm cú buzz đó là một thông báo nho nhỏ cho biết đó là dịch vụ tự động nhắn tin theo lịch. Tôi đã khóc, cho anh, cho tôi và cho cả những buổi sáng online gọi nhau thức dậy.

Xem Thêm →

Một chuyện tình yêu nước mắt

Những hiểu lầm vô tình nối tiếp, đã làm vấp những bước chân của hạnh phúc. Khi số mệnh bắt ta trả giá, tất cả đã trở nên muộn màng. Đây là một câu chuyện có thực và đầy nước mắt.
1. Mẹ ở quê lên.
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.
Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.
"Khổ đau cay đắng" bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.
Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: "Đi đón mẹ chúng ta thôi!".
Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thân hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo. Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.
Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi. Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo: "Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!".
Tôi cười: "Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ".
Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười: "Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!".
Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng. Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn. Chồng tôi véo mũi tôi nói: "Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?".
Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trôi những âm điệu không êm đềm.
Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?
Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà.
Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất ấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng. Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.
Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi; Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa. Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đóng cửa phòng đánh "sầm" một cái, nằm bên trong khóc ầm ĩ.
Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh: "Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?".
Anh trừng mắt nhìn tôi nói: "Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?".
Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.
Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận "trọng trách" này. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.
Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi: "Rodi, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?". Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.
Cuối cùng, chồng tôi thở dài: "Rodi, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?". Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.
Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa (chú thích: người Trung Quốc ăn cháo bằng đũa, không dùng thìa như ở Việt Nam) nhảy bổ vào toa-lét, nôn ọe hết.
Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý.
Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.
 2. Những tháng ngày tăm tối
Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa? Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi: "Rodi, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào".
Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai. Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn ọe, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi.
Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.
Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua. Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng: "Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!" và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.
Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh. Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền.
Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự. Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại "ồn ào" lăn xuống.
Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ. Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo: "Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn giao thông, đang trong viện".
Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.
Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệch xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này? Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc.
Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe buýt đã đâm thẳng vào bà...
Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như... trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.
Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói. Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.  Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.
Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Âu, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.
Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn. Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém.
Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.
Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.
Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh. Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.
Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra. Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi.
Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.
Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo: "Anh chờ chút, tôi ký!". Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.
Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình: "Không khóc, không khóc...". Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra. Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.
"Rodi, em có thai à?".
Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ "tới tấp" tràn xuống má.
Tôi đáp: "Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!". Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.
Không biết chồng tôi đã nói "Anh xin lỗi em!" với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi. Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Phía tôi, là vô ý; còn anh, là cố tình.
3. Hận cũ hóa giải, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!
Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh.
Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.
Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?
Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh.
Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính "lạch cà lạch cạch", có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.
Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi.
Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấm áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: "Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?".
Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp. Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh... Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi...
Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.
Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: "Phải chuẩn bị hậu sự đi!".
Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là...
Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi: "Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố... Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể.
Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố...
Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất...".
Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.
Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:
"Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời...
Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh... Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi...".
Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: "Anh mở mắt cười một cái nào, em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố...".
Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh "lách tách", để mặc nước mắt chảy dọc má...
Xem Thêm →

Tha thứ mãi mãi

Lisa ngồi trên sàn với chiếc hộp trước mặt. Cái hộp cũ kĩ đựng 1 tờ giấy kẻ ô vuông. Và đây là câu chuyện đằng sau những ô vuông... "Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần?" Cô giáo đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe:" 70 nhân 7 lần!" Lisa kéo tay Brent - em trai cô: - Thế là bao nhiêu lần?
Brent viết số 490 lên góc vở Lisa. Brent nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rồi bù. Nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu làm banh bè ai cũng phục. Câụ học pianô từ năm lên 4, kèn darinet năm lên 7 và giờ đây cậu đang chinh phục cây đàn Oboa. Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi 1 thứ: bóng rổ, 2 chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học. Brent thấp bé lại yếu, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu với kém của cô.
Sau giờ học, 2 chị em lại chạy ra sàn bóng rổ. Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm. Lisa dễ dàng ghi điểm. Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.
- Em ổn cả chứ? Chị lỡ tay thôi mà!
- Không sao, em tha lỗi cho chị - Cậu bé cười - Phải tha thú 490 lần và lần này là 1, vậy chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!
Lisa cười. Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm. Hôm sau, 2 chị em chói bắn tàu trên giấy. Sợ thua, Lisa nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng "chiến thắng".
- Chị ăn gian! - Brent nhìn Lisa nghi ngờ.
Lisa đỏ mặt: - Chị xin lỗi!
Được rồi, em tha lỗi - Brent cười khẽ - Thế là chỉ cộng 488 lần thôi, phải không?
Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động. Tối đó, Lisa kẻ 1 biểu đồ với 490 hình vuông:
- Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai & em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo 1 ô.
Miệng nói, tay Lisa đánh dấu 2 ô. Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường. Lisa có rất nhiều cơ hội đánh dấu vào biểu đồ. Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa xin lỗi rất chân thành. Và cứ thế... Ô thứ 211: Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent & cậu bé bị điểm 0. Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent... Ô thứ 417: Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent... Ô thứ 489: Lisa mượn xe đạp của Brent & đâm vào gốc cây. Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc cốc hình quả dưa mà Brent rất thích.
- Thế là hết - Lisa tuyên bố - Chị sẽ không có lỗi gì với em nữa đâu. Brent chỉ cười :"Phải, phải". Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491. Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc, cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York. 1 niềm mơ ước thành hiện thực. Người ta gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa nghe điện :" 2h chiều ngày mùng 10 nhé!" Lisa nghĩ mình có thể nhớ được nên cô đã không ghi lại.
- Brent này, khi nào con biểu diễn? - Mẹ hỏi.
- Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! Brent trả lời. Lisa lặng mãi mới lắp bắp:
- Ôi! .... hôm nay ngày mấy rồi ạ?
- 12, có chuyện gì thế?

Lisa, bưng mặt khóc nức lên:
- Biểu diễn... 2 giờ.... mùng 10.... người ta gọi điện.....tuần trước.... Brent ngồi yên, vẻ mặt nghi ngờ, không dám tin vào nhữnng gì Lisa nói.
- Có nghĩa là... buổi biểu diễn đã qua rồi??? - Brent hỏi.
Lisa gật đầu. Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào. Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc. Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng. Rồi cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại 1 mảnh giấy dặn mọi người yên tâm. Lisa đến Boston & thuê nhà sống ở ngay đó. Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời: " Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa". Đó là ý nghĩ trẻ con của cô gái 19 tuổi. Rất lâu sau, có lần gặp lại người láng giềng cũ: bà Nelson.
- Tôi rất tiếc về chuyện của Brent... - Bà ta mở lời.
Lisa ngạc nhiên:
- Sao ạ?
Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa không biết gì. Bà kể cho cô nghe tất cả: xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, các bác sĩ tận tâm nhưng Brent không qua khỏi. Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà. Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp. Cô không thấy tờ biểu đồ ngày xưa kín đặc các gạch chéo mà lại có 1 tờ giấy lớn: " Lisa yêu quý, Em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó. Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị. Yêu thương, Brent".
Mặt sau là 1 tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hồi bé, với rất nhiều ô vuông. Nhưng chỉ có 1 ô vuông đầu tiên có đánh dấu & bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ : " Lần thứ 491: Tha thứ, mãi mãi! "
Xem Thêm →

Nếu bỗng ta chán nhau

Thuê bao quý khách tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau… Hai, ba hôm nay cứ 22h là Quang tắt máy cho đến sáng. Không phải là một chuyện bình thường với một người luôn mở điện thoại 24 / 24.

Công việc đòi hỏi Quang phải thường xuyên nghe điện thoại để nhận các hợp đồng từ khách hàng. Quang cũng không có thói quen tắt máy kể cả khi ngủ. Và số của Khương luôn được Quang gài bằng tiếng chuông ầm ĩ nhất. Cô hay trêu đó là tiếng còi báo động tầm xa 10 km ( khỏang cách từ nhà Quang đến nhà Khương) - đủ để đánh thức anh dậy ngay cả lúc 2, 3h sáng. Sáu tháng yêu nhau, điện thoại Quang chưa một lần nằm trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng. Khương quen với việc cứ hở chút hở chút là nhấc điện thoại lên gọi Quang, quen với việc có thể dễ dàng tìm anh bất cứ khi nào cần.

Khương chưa bao giờ nghĩ đến chuyện có một ngày anh tắt máy. Ban đầu cô ngỡ là mình gọi nhầm số. Không! Chắc tại kẹt mạng. Làm gì có! Mọi người vẫn cứ gọi cho nhau ầm ầm đấy thôi, hôm nay có phải Noel hay giao thừa đâu? Điện thoại hư? Cũng chẳng phải. Cô đã thử dùng nhiều máy khác để gọi mà. Rõ ràng là có một chuyện gì đó bất bình thường. Hay đứa ác ôn trời gầm nào đó đã lấy mất điện thoại của anh. Hay anh đang đi chung với một ai khác không - phải - em? Hay…anh bị tai nạn? Ôi, không? Cô bắt đầu lo lắng phát sốt lên. Cũng may là cô vẫn còn giữ số của cậu bạn ở trọ chung nhà với anh. Khương gọi hú hoạ, không ngờ lại phát huy tác dụng. Cậu ta chuyển máy, cô nghe giọng Quang ngập ngừng bên kia đầu dây: "Máy anh hết pin!" Okie. Cô chấp nhận lý do đó như cô vẫn hằng tin tưởng anh.
Nhưng đến khi chuyện này lặp lại liên tục trong một tuần liền thì đó không còn là việc "máy anh hết pin" nữa rồi. Tự nhiên cô oà khóc như một đứa trẻ đi lạc tìm hoài không thấy mẹ. Tự nhiên cô nhận ra rằng bấy lâu nay mình ngủ quên trong sự quan tâm mà anh đem lại. Tự nhiên cô giật mình vì một nỗi sợ hãi mơ hồ. Chính xác đó là cảm giác bất chợt hiểu ra: một cái gì đó dẫu đang là của mình vẫn có thể vụt tan biến trong chốc lát.

Cô tự trấn an mình: "Mày đa cảm quá đấy! Đơn giản là người ta thích yên tĩnh nên tắt máy thế thôi. Anh đã làm gì sai với mày đâu nào?". Không xinh đảo nước nghiêng thành, nhưng nốt ruồi duyên bên khoé môi và đôi mắt buồn xa xăm vẫn khiến khối chàng trai trong trường cô muốn thay thế vị trí của anh. Trước giờ chỉ có anh phải nghĩ nên làm gì để giữ cô chứ chưa bao giờ cô cảm thấy sợ mất anh như thế này. 
***
Thi thoảng có đôi lần cô cảm thấy chán anh. Một con người luôn thích khám phá, chinh phục những cái mới như Khương luôn không vừa lòng với những gì mình đang có. Cô không thích bị ràng buộc, cô bực bội với những câu hỏi quan tâm của Quang mà cô đánh đồng với sự kiểm soát. Khương dị ứng với những câu đại loại như "Em đang làm gì thế?", "Em đang đi chung với cậu bạn nào àh!". Nhưng ngược lại, cô tự cho mình cái quyền đuợc nhấc điện thoại lên bất kì lúc nào chỉ để xem Quang đang làm gì, với ai! Duy nhất một lần Quang đang đi ngoài đường không nghe điện thoại Khương là y như rằng sau đó anh nhận được một chuỗi những giận hờn trách móc. Nhưng túm lại, dù thế nào thì cái điện thoại của Quang vẫn hoạt động tốt trong 6 tháng nay.

Ngày xưa khi Thượng đế tạo ra con người sao lại lỡ tay bỏ hạt giống mâu thuẫn vào trong mỗi tâm hồn làm chi để bây giờ nhiều lúc Khương không biết mình muốn gì ở anh. Quan tâm đến Khương quá thì Khương đâm cáu kỉnh. Thờ ơ thì Khương lại trách anh bỏ bê. Mỗi tối đi chơi về, anh đều hôn nhẹ lên má và không quên nói một câu quen thuộc "Em ngủ ngon nhé!". Thích à? Vài lần đầu thì có, nhưng chưa được mấy hôm Khương lại cảm thấy nhàm. Không còn gì lãng mạn hơn sao! Lại chán. Nhưng anh cứ thử quên xem. Có chuyện ngay. Thế đấy! Với Khương, tình yêu phải luôn luôn tràn ngập sự mới mẻ và bất ngờ. Kiểu như anh chàng trong 50 first dates ấy. Mỗi ngày phải làm quen lại từ đầu cùng một cô gái với cả ti tỉ cách chinh phục thú vị khác nhau. Cứ kiểu như mi thì chẳng bao giờ yêu ai thật sự được đâu Khương ạ, người ta giấu tay ra sau lưng là mi đã biết hắn chuẩn bị tặng hoa hồng thì còn quái gì là cảm xúc!

Chẳng phải đã có lần Khương chơi trò ấy ư! Một tin nhắn cho anh vỏn vẹn: "Một sáng ngủ dậy bỗng dưng người ta thấy chán nhau, anh nhỉ! Đừng liên lạc với em nữa." Khương tự hỏi mình làm thế để làm gì? Đùa thôi mà. Để thử xem anh yêu Khương tới mức nào. Và để tìm một cảm giác mới mẻ cho tình yêu đã mòn mèn cũ kĩ với thời gian. Nói anh đừng liên lạc nhưng cô cứ thấp thỏm, lâu lâu lại mở máy kiểm tra xem có tin nhắn của anh không. Có vẻ anh hiểu cái tính khí mưa nắng thất thường của Khương. Một tin nhắn hồi đáp không nằm ngoài dự tính của Khương. "Chắc dạo này công việc làm cho em mệt mỏi lắm phải không? Anh không thể làm gì được cho em, chỉ có thể giúp mỗi chuyện… qua nhà em ăn trái cây thôi. Mặc dù em tắt máy nhưng anh vẫn thích nhắn tin".
***
Đùng một cái, sau hơn nửa năm quen nhau: "Thuê bao quý khách tạm thời không liên lạc được…". Lần này người tắt máy là anh. Không phải Khương. Hàng tá câu hỏi lùng bùng trong đầu cô. Anh đổi số (chính anh đã vô tình buột miệng như vậy mà) nhưng không muốn nói cho cô biết. Để nhắn tin với một ai khác (chắc là cái Hải Thy chứ còn ai, anh và nó cứ nhìn nhau hoài là gì!). Anh đang gặp trục trặc trong công việc (dạo này nghe đâu sếp anh đang sát hạch nhân viên). Anh chán cô rồi (làm ơn, nếu thực sự là như thế thì anh nói thẳng một câu có hơn không, như cô đã làm ấy). Một cô gái logic như Khương không chấp nhận một chuyện gì đó xảy đến bất bình thường mà không có nguyên nhân. ít nhất thì "chán" cũng là một nguyên nhân.

22h30. Khương đứng ngoài ban công nhìn con phố vắng lặng phía dưới. Tự hỏi tại sao tối nay Quang không tới. Chợt thấy nhớ đến quay quắt cái hôn nhẹ vào má, thấy cần đến thiết tha câu nói quen thuộc: "Ngủ ngon nhé em!" Khương bấm số điện thoại Quang liên tục tưởng như trở thành vô thức, mặc dù biết không nghe được gì ngoài "Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được…".
Tít tít. Một số máy lạ hoắc. "Em ra khỏi nhà, mở cửa đi".
Khương tò mò. Vẫn với thói quen suy đoán trước những gì người khác định làm, Khương tự nhủ ắt hẳn không ai khác ngoài Quang.
Cửa mở. Làm gì có ma nào. Không lẽ mình bị lừa. Chưa kịp tìm đáp án cho thắc mắc thì…
Tít tít. " Này, anh không đến đâu. Em đừng hí hửng thế chứ?".
Tức thật. Lần đầu tiên Khương bị một người giấu mặt bắt tẩy.
Tít tít. Vẫn số lạ đó. "Giờ thì quẹo trái, đếm 20 bước nhé".
Tít tít. "Aứh quên. Em có lạnh thì khoác thêm áo vào. Trông em ăn mặc phong phanh thế kia…".
Là sao? Còn biết mình mặc gì nữa cơ à. Được rồi! Em sẽ đợi xem anh định làm gì.
Tít tít. "Tới rồi. Em có thấy chiếc xích lô ngay trước mặt không. Giờ thì mở tấm ván lên nhé. Điều bất ngờ đang nằm phía dưới đấy!"
Khương dáo dác ngó xung quanh. Không thấy bóng dáng một ai. Cô nhè nhẹ giở tấm ván lên bằng hai ngón tay. Gì thế này: một phần gà KFC kèm theo một mảnh giấy được xếp cẩn thận.
"Em ơi,
Chắc em đang đợi anh mở điện thoại để căn vặn anh: "Tại sao anh tắt máy? Có phải anh đổi số để nhắn tin cho Hải Thy trong công ty phải không? Anh đang giấu em chuyện gì thế?"...Vân vân và vân vân. Em ngốc quá! Trước giờ anh chưa làm điều gì để em bị tổn thương, đúng không! Đừng suy nghĩ lung tung nhé.

Sáng hôm qua đón em, nhìn gương mặt xanh xao và hốc mắt thâm quầng của em, anh chợt giật mình. Cô bé với đôi má hồng và đôi mắt tinh anh (lúc nào cũng liếc qua liếc lại) của anh đâu rồi?! Em bảo tại đêm trước nói chuyện điện thoại với anh tới 2h sáng nên mới thế. Anh còn tình cờ phát hiện em đang phải hoàn thành một dự án lớn trong tuần này. Em có biết mấy hôm nay em ốm đi nhiều lắm không?
Đến đêm thứ hai, thứ ba em vẫn tiếp tục "tám" hết chuyện này đến chuyện kia với anh tới khuya thì anh bắt đầu lo rồi đấy. Sao dạo này em lại chuyển thói quen nói chuyện khuya thế nhỉ! Anh sợ em sẽ bệnh mất thôi. Mà bệnh vì cái lý do "nhiều chuyện với anh mỗi tối" thì vô duyên quá em nhỉ! Nhưng anh bảo thế nào em cũng có nghe đâu. Anh lo cho em quá thì em lại chán. Anh mặc kệ em thì em lại nói anh không yêu. Anh chẳng biết phải làm thế nào cả. Cuối cùng mới nghĩ ra cách tắt điện thoại. Đó là cách duy nhất khiến cho em có thể đi ngủ sớm để giữ sức khỏe mà hoàn thành dự án tốt nhất. Lại không làm em chán! Trọn cả đôi đường. Anh thông minh chứ em nhỉ!
Có thể anh không là người đem lại cho em một tình yêu đầy bất ngờ và nhiều thú vị như em mong muốn, nhưng anh sẽ luôn là người xuất hiện những khi em cần anh nhất!".
Tình yêu đích thực chỉ có thể xây dựng trên niềm tin và sự chân thành. Lần đầu tiên thực tế và những suy đoán bắt bài người khác của Khương không trùng khớp với nhau.

Tít tít. "Đừng gọi lại cho số này làm gì. Đây chỉ là số điện thoại của một người đi đường tốt bụng cho anh mượn để chữa trị virus chán của cô gái mà anh đang yêu thôi. Ngủ ngon em nhé!".
Có một điều mà đến bây giờ Khương mới hiểu: hóa ra "chán" cũng là gia vị của tình yêu. Một sáng ngủ dậy tự nhiên thấy yêu anh nhiều hơn, đủ để Khương với tay lấy điện thọai hí hoáy: "Mặc dù anh tắt máy nhưng em vẫn thích nhắn tin. Để khi nào mở điện thoại lên anh sẽ thấy em chúc anh một ngày mới tốt lành… Cám ơn anh đã luôn ở bên cạnh em, ngay cả khi bỗng dưng ta chán nhau nhất… Để em hiểu rằng: Cái gì là của mình rồi sẽ vẫn là của mình, nếu em biết nâng niu gìn giữ không phải bằng tay mà bằng cả trái tim".
Xem Thêm →

Chiếc lá cuối cùng

 Tại một quận nhỏ nằm về hướng tây công trường Washington, đường sá chạy rối loạn, quanh co, tròng tréo nhau tạo thành nhiều khu nhỏ, thường được gọi là những "cái ổ". Những "cái ổ" này cong lượn, hình thù thật kỳ dị. Một con đường cứ tự cắt mình ra một hoặc hai lần. Có chàng nghệ sĩ phát ngôn rằng đường sá như vậy cũng có cái... lợi của nó. Giả sử như có một tên đòi nợ đến thu tiền cọ tiền sơn các thân chủ họa sĩ ở đây, lòng vòng qua những con đường như vậy cuối cùng chỉ để tìm thấy chính... mình, với hai bàn tay không. Vì vậy mà các nghệ sĩ tìm đến, lang thang trong cái làng cổ Greenwich để tìm thuê những căn nhà có những chiếc cổng xây theo kiểu kiểu Hà Lan từ thế kỷ thứ mười tám, cửa sổ quay về hướng bắc với giá thuê thật hạ Rồi họ mang vào những chiếc thùng bằng thiết, vài cái dĩa mòn lỉn kiếm được ở Đại Lộ Thứ Sáu và cứ như vậy cái làng cổ mặc nhiên trở thành một "thuộc địa" của đám nghệ sĩ.
Sue và Johnsy có một xưỡng vẽ ở lầu trên cùng của một căn nhà gạch ba từng thấp lè tè. Johnsy là tên gọi ở nhà của Joanna. Một người từ Main, một người từ California, họ gặp nhau tại quán cơm bình dân trên đường Số Tám, cùng yêu thích hội họa, cùng mê món rau díp trộn, tương đắc đến nỗi cột tay áo mướn chung với nhau một xưởng vẽ.
Đó là hồi tháng Năm. Vào tháng mười một thì trời phái một ông khách lạnh lùng mà các ngài bác sĩ thường gọi là Bệnh Viêm Phổi đến khủng bố khu "thuộc địa", thò cái bàn tay lạnh ngắt, sờ chỗ này một chút, vỗ chỗ kia một phát. Khu vực phía đông bị ảnh hưởng nặng nề với khá nhiều người bệnh, nhưng bước chân của ông khách chậm dần khi bước vào cái mê cung chật hẹp rêu phong của khu "thuộc địa"
Ông khách Viêm Phổi không phải là hạng người mà bạn thường gọi là ông bạn già hào hiệp. Cô Johnsy gốc Cali nhỏ bé, liễu yếu đó thật ra không phải là đối thủ xứng tay của lão già tay đỏ điếm đàng, nhưng lão vẫn đập cô ta tận tình. Vì vậy mà cô gái nằm xụi lơ, bất động trên chiếc giường sắt, mắt nhìn vào bức tường gạch của căn nhà kế cận xuyên qua khung cửa sổ nhỏ.
Một bữa sáng nọ, ông bác sĩ mời Sue ra ngoài hành lang, nhướng đôi mày rậm:
"Cô ta chỉ có chừng một phần..., để coi, phần mười cơ hội sống sót" Vừa nói ông vừa rảy rảy cái nhiệt độ kế. "Đó là vì cô ta không có chí cầu sinh. Cái cảnh bệnh nhân sắp hàng chờ chết chớ không chịu uống thuốc chắc phải làm cho các thầy chế thuốc xấu hổ. Cô bạn nhỏ của cô đã hạ quyết tâm không chịu bình phục rồi. Cô ta có mơ ước gì trong đầu không?"
Sue đáp:
"Cô ấy... muốn một ngày nào đó sẽ vẽ Vịnh Naples."
"Vẽ? Chậc! Cô ta có một cái gì đáng giá hơn trong đầu để nghĩ tới không, một người đàn ông chẳng hạn?"
"Đàn ông?" Sue lập lại với một giọng mũi khịt khịt. "Đàn ông mà đáng giá thật..., à... không, thưa bác sĩ, không có những chuyện như vậy."
"Chà, như vậy thì tệ thật!" Bác sĩ nói. "Tôi sẽ rán hết sức làm những gì mà khoa học có thể làm được. Nhưng hễ khi nào bệnh nhân của tôi bắt đầu nghĩ tới chiếc xe chở quan tài và đám đô tùy thì tôi trừ đi một nửa cái hiệu quả của thuốc men. Nếu cô có thể làm cho cô ấy thắc mắc một chút gì về mùa đông năm tới thì tôi có thể hứa với cô là cái cơ hội sống sót là một trên năm, còn không thì một trên mười."
Sau khi ông bác sĩ bỏ đi, Sue trở vào phòng làm việc và khóc đến nhão chiếc khăn giấy Nhật Bản. Sau đó cô vác cái giá vẽ vào phòng Johnsy, miệng ba hoa những câu bông đùa chọc vui.
Johnsy nằm im lìm bất động dưới tấm chăn phủ giường, mặt hướng về phía cửa sổ. Ngỡ là bạn đang ngủ, Sue ngưng những lời đùa giỡn.
Cô ta sắp xếp giá vẽ và bắt đầu minh họa cho một truyện đăng báo. Những họa sĩ trẻ dọn đường đến với nghệ thuật bằng cách minh họa cho các truyện trên báo, cũng như các nhà văn trẻ dọn đường đến với văn chương bằng ngòi bút.
Lúc Sue đang mặc áo quần, mang mắt kiếng cho một nhân vật anh hùng, một chàng kỵ sĩ miền Idaho, thì cô nghe một thứ âm thanh rầm rì, lập đi lập lại nhiều lần. Cô ta chạy vội lại bên giường người bệnh.
Johnsy đang mở tròn mắt, nhìn ra ngoài cửa sổ và đếm. Đếm ngược.
"Mười hai." một lát sau "Mười một", "Mười", rồi "Chín"; rồi "Tám" và "Bảy" gần như liền nhau.
Sue nhìn ra ngoài cửa sổ với vẻ bồn chồn lo lắng. Có gì ở ngoài đó để đếm đâu? Chỉ có một khoảng sân trống trơn buồn thảm và cái tường gạch của căn nhà cách đó hai mươi thước. Một giây nho già, thật già, gân guốc và cằn cỗi bò lên gần nửa bức tường. Những cơn gió lạnh mùa thu vừa qua làm lá rụng gần hết chỉ còn trơ lại mấy nhánh bám lủng lẳng vào bức tường gạch đổ nát.
Sue hỏi:
"Đếm gì vậy, nhỏ?"
"Sáu." Johnsy nói, gần như thì thầm. "Nó bắt đầu rụng nhanh rồi. Ba ngày trước còn cả trăm, làm mình đếm đến nhức đầu. Nhưng bây giờ thì dễ rồi. Lại một chiếc nữa rụng kìa. Chỉ còn có năm chiếc."
"Năm chiếc gì hở nhỏ? Nói cho Sudie biết với."
"Lá! Lá trên giây nho. Khi chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống thì mình cũng sẽ đi luôn. Mình nghiệm ra điều đó ba hôm rồi. Bác sĩ không nói cho bạn biết như vậy sao?"
"Ồ, mình chưa bao giờ nghe được những chuyện vô lý như vậy." Sue gắt bạn, giọng pha một chút giễu cợt. "Cái giây nho già đó thì có liên quan gì đến sức khỏe của bạn? Bạn thường vẫn thích cái giây nho đó lắm mà, cái cô hư này. Đừng có suy nghĩ dại dột như vậy. Ồ, hồi sáng này bác sĩ nói là bạn có nhiều cơ hội bình phục lắm, để nhớ chính xác coi ổng nói sao, ổng nói, mười ăn một. Như vậy thì chắc ăn như bắp rồi, chắc ăn như mình chạy xe trên đường phố hay đi bộ qua các cao ốc ở New York vậy. Thôi, rán ăn chút súp nhá, rồi để cho con nhỏ Sudie này tiếp tục vẽ tranh bán kiếm chút tiền còm mua rượu cho con đang bệnh, mua thịt heo xay về ăn cho đỡ đói nhá."
"Bạn không cần phải mua thêm rượu nho." Johnsy nói mà mắt vẫn dán chặt ra ngoài cửa sổ. "Một chiếc nữa rụng. Không, mình không muốn ăn súp đâu. Vậy là chỉ còn lại bốn chiếc. Mình muốn nhìn thấy chiếc lá cuối cùng rơi trước khi trời tối. Rồi mình sẽ đi theo..."
Sue cúi xuống bên mình Johnsy:
"Johnsy, nhắm mắt lại và hứa là sẽ không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa cho đến khi nào mình vẽ xong. Mình phải nộp mấy bản vẽ này vào ngày mai. Mình cần chút ánh sáng, nếu không thì bức tranh sẽ tối hù."
Johnsy hỏi, vẻ lạnh lùng:
"Bạn không vẽ ở phòng khác được à?"
"Mình cần phải ở đây với bạn." Sue đáp. "Ngoài ra, mình không muốn bạn cứ nhìn vào mấy cái lá nho chết tiệt đó."
"Vẽ xong thì nhớ cho biết liền." Johnsy nói và nhắm mắt lại, nằm bất động như một bức tượng bị đổ. "Tại mình muốn nhìn thấy chiếc lá cuối cùng rơi xuống. Mình chờ mệt quá rồi. Mình suy nghĩ mệt quá rồi. Mình muốn buông xuôi tất cả, để cho nó cứ tự do rơi xuống, rơi xuống như những chiếc lá tội nghiệp kia."
"Rán ngủ đi." Sue nói. "Mình phải kêu ông Behrman lên ngồi làm mẫu một người thợ mỏ nghèo. Mình sẽ đi chừng một phút. Đừng cử động gì cả cho đến khi mình trở lại, nhé."
Lão Behrman là một họa sĩ ở ngay dưới tầng trệt. Lão đã quá sáu mươi tuổi, có một bộ râu chảy dài từ một cái đầu to tướng xuống một thân hình nhỏ thó giống như bộ râu dài của thánh Moses trong tranh của Michael Angelo. Behrman là một nghệ sĩ thất bại. Lão cầm cọ đã bốn mươi năm rồi mà chẳng vẽ được một bức tranh nào cho ra hồn. Lúc nào lão cũng làm như sắp sửa thực hiện một tác phẩm lớn, nhưng thực sự chưa bao giờ bắt tay vào việc. Suốt mấy năm liền lão chẳng vẽ vời gì ngoài một vài bức tranh quảng cáo lem nhem. Lão kiếm sống bằng nghề làm người mẫu cho các họa sĩ trẻ trong khu thuộc địa vì các họa sĩ trẻ này không đủ tiền mướn các người mẫu chuyên nghiệp. Lão uống rượu như hũ chìm, và nói hoài về cái tác phẩm lớn sắp hoàn thành của mình. Đối với nhiều người thì lão là một lão già nhỏ con mà gân lắm, thường mạt sát thậm tệ cái tánh ủy mị yếu đuối của người khác và tự coi mình như một người dẫn dắt, bảo vệ hai cô họa sĩ trẻ trong cái xưỡng vẽ trên lầu.
Sue tìm thấy lão Behrman trong căn phòng nhỏ tối hù của lão ở lầu dưới, người nồng nặc mùi rượu dâu. Trong một góc phòng, tấm vải trên khung vẽ vẫn còn trống trơn nằm chờ hơn hai mươi năm rồi đường cọ đầu tiên của cái tác phẩm lớn của lão. Cô kể cho lão nghe về sự tưởng tượng lạ lùng của Johnsy, về nỗi lo là cô ta vốn đã mong manh, yếu đuối, khi nghị lực của cô cạn đi rồi thì cô sẽ trôi tuột đi như chiếc lá lìa cành.
Lão Behrman, cặp mắt đỏ ngầu chiếu thẳng ra trước, la lên với vẻ chế nhạo, khinh bỉ cái óc tưởng tượng ngu ngốc đó.
"Dà." Lão khóc. "Thế dan có người ngu nào nghĩ như con nhỏ đó là mình sẽ chít theo những chiếc lá nho khi nó lìa cành không? Lão chưa từng nghe chiện đó bao giờ. Không, Lão không làm cái người mẫu khổ hạnh ngu ngốc đó cho cô đâu, hiểu chưa. Sao cô lại để cho những chiện ngu xuẩn như dậy chạy dô đầu con nhỏ đó như dậy hả? Ờ, cái con nhỏ Johnsy tội nghiệp."
"Cô ta bệnh nặng và yếu lắm." Sue đáp. "Cơn sốt làm cho tâm trí cô ta trở nên hổn loạn, tưởng tượng ra những việc hoang đường. Được rồi. Ông Mehrman, nếu ông không muốn làm người mẫu cho tôi thì cũng không sao. Tôi biết ông chỉ là một lão già khó tánh, ba hoa, ngồi lê đôi mách."
"Cô đúng là cái giống đờn bà!" Lão Behrman la lên. "Ai nói là lão không chịu ngồi mẫu? Đi đi. Lão sẽ lên gặp cô. Suốt nửa tiếng đồng hồ vừa rồi lão đã giải thích là lão sẳn sàng ngồi mẫu mà. Dà, đây đâu phải là chỗ cho những người tốt như cô Johnsy nằm bịnh chớ. Một ngày nào đó lão sẽ dẽ xong tác phẩm lớn, rồi chúng ta sẽ rời bỏ chỗ này. Dà, đúng dậy."
Lúc hai người lên đến nơi thì Johnsy đang ngủ. Sue kéo tấm màn cửa sổ cho kín lại và ra dấu cho lão Behrman sang phòng kế. Cả hai cùng lo lắng nhìn mấy cọng giây nho bên ngoài cửa sổ. Rồi cả hai cùng nhìn nhau một lúc lâu không nói lời nào. Trời mưa dai dẳng và có chút tuyết rơi. Lão Behrman trong chiếc áo xanh cũ kỷ, bắt đầu ngồi lên trên cái ấm nước đặt lộn ngược giả làm tảng đá để làm mẫu một người thợ mỏ nghèo khó.
Sáng hôm sau, khi Sue thức dậy sau chừng một giờ ngủ mê, cô bắt gặp Johnsy với cặp mắt mở lớn, đờ đẫn đang nhìn chăm chăm vào một cái bóng màu xanh.
"Kéo cửa sổ lên. Mình muốn nhìn một chút." Cô thì thầm ra lệnh.
Sue làm theo một cách uể oải.
Nhưng, ô kìa, sau một cơn mưa dữ dội và những cơn gió vật vả suốt đêm dài, một chiếc lá nho vẫn còn hiện rõ mồn một trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá nho cuối cùng còn sót lại. Cuống lá vẫn còn cái màu xanh đậm nhưng ven rìa lá răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, treo lơ lững như thách đố trên một giây nho cách mặt đất chừng hai chục thước.
"Đó là chiếc lá cuối cùng." Johnsy nói. "Mình cứ tưởng nó chắc phải rụng hồi đêm rồi. Mình nghe gió dữ lắm. Chắc nó sẽ rụng trong ngày hôm nay và mình cũng sẽ rụng theo."
"Nhỏ, nhỏ ơi." Sue vừa nói vừa dúi khuôn mặt mệt mõi của mình vào chiếc gối. "Nếu bạn không muốn nghĩ đến bản thân mình thì xin hãy nghĩ tới Sue đây. Sue phải làm sao đây?"
Nhưng Johnsy không trả lời. Cái sinh vật cô đơn khủng khiếp nhất trên thế gian này phải là cái linh hồn khi đã sẳn sàng đi vào một cuộc hành trình miên viễn, đầy huyền bí. Sự tưởng tượng hoang đường đó dường như càng ám ảnh cô gái mạnh mẽ hơn khi mối liên hệ với bạn bè và với trái đất này của cô cứ lỏng lẽo dần.
Ngày tàn dần, và dù trời nhá nhem tranh tối tranh sáng, họ vẫn có thể nhìn thấy chiếc lá nho duy nhất còn bám vào cuống giây nổi bật trên bức tường. Rồi đêm đến và những cơn gió bắc lụn dần, trong khi cơn mưa vẫn còn đập vào khung cửa sổ, và rơi lộp bộp dưới mái hiên.
Khi trời vừa hừng sáng, Johnsy thẩn thờ đòi kéo tấm màn che lên.
Chiếc lá vẫn còn đó.
Johnsy nằm yên lặng nhìn một lúc khá lâu. Rồi cô cất tiếng gọi Sue đang khuấy nồi súp gà trên cái lò gas.
"Mình thật là hư quá, Sudie ạ." Johnsy nói. "Một cái gì đó đã làm cho chiếc lá cuối cùng kia không chịu rụng làm mình cảm thấy xấu hổ quá, mình thật là tệ quá. Muốn chết đi thì quả là một điều ngu xuẩn. Bạn mang cho mình một chút súp đi, một ít sữa có pha chút rượu nho nữa; nhưng khoan, mang cho mình một cái gương nhỏ trước đã, rồi kê giùm mình mấy chiếc gối để mình có thể ngồi dậy nhìn bạn làm bếp."
Một giờ sau cô ta bảo:
"Sudie này, mình hy vọng có ngày sẽ vẽ Vịnh Naples."
Chiều hôm đó bác sĩ đến thăm. Sue cáo lỗi với bạn để đi ra hành lang gặp bác sĩ khi ông ta ra về.
"Có triển vọng tốt." Bác sĩ vừa nói vừa cầm lấy bàn tay gầy guộc và run rẩy của Sue. "Rán chăm sóc thì cô ấy sẽ khỏi. Bây giờ tôi phải đi thăm một bệnh nhân khác dưới lầu, tên là Behrman, nghe nói là một nghệ sĩ gì đó. Cũng bị viêm phổi. Ông ta già, yếu thành ra bị nặng lắm. Không có hy vọng gì; nhưng hôm nay sẽ đưa ông ta vào bệnh viện để được tiện nghi hơn."
Hôm sau bác sĩ bảo Sue:
"Cô ấy qua cơn nguy rồi. Cô đã thắng. Giờ chỉ cần ăn uống và tịnh dưỡng là đủ."
Chiều hôm đó, Sue đến bên Johnsy đang nằm trên giường bệnh, thắt lại chiếc khăn len quàng cổ màu thật xanh, quàng tay ôm lấy bạn, rồi ôm chiếc gối, tần mần tẩn mẩn...
"Mình có chuyện này muốn nói với bạn, con chuột bạch à." Cô ta nói. "Cụ Behrman đã mất trong bệnh viện ngày hôm nay vì bị viêm phổi. Cụ mắc bệnh chỉ có hai ngày. Hôm đầu tiên ông quản gia tìm thấy cụ nằm trong phòng có vẻ đau đớn lắm. Giày dép, quần áo cụ ướt sũng và lạnh như đá. Họ không tưởng tượng ra được cụ ấy đi đâu, làm gì trong một đêm gió mưa khủng khiếp như vậy. Sau đó họ tìm thấy chiếc đèn lồng vẫn còn cháy sáng, một chiếc thang được kéo lê ra từ trong kho, mấy chiếc cọ còn dính sơn và một hộp sơn pha trộn hai thứ màu xanh và vàng. Và bạn thử nhìn ra ngoài cửa sổ kia, nhìn vào chiếc lá nho cuối cùng trên bức tường đó. Bạn không cảm thấy ngạc nhiên là tại sao nó chẳng lung lay động đậy gì trong cơn gió à? Nhỏ ơi, nó chính là cái tác phẩm lớn của cụ Behrman đó. Cụ đã vẽ nó vào cái đêm chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống."
Xem Thêm →

Luôn chờ em cúp máy trước


Ngày ấy, khi cô gái và chàng trai đang yêu nhau thắm thiết. Mỗi lần gọi điện thoại, hai người chuyện trò tưởng chừng không bao giờ dứt. Cuối cuộc gọi, luôn là cô gái gác máy trước, sau khi đã cố nấn ná, không muốn nói lời tạm biệt, chàng trai lại từ từ cảm nhận hơi ấm còn vương lại của giọng nói trong không trung, và một nỗi buồn man mác, vấn vương, lưu luyến.

Sau đó, hai người chia tay. Cô gái nhanh chóng có người yêu mới, một anh chàng đẹp trai, hào nhoáng. Cô gái thấy rất mãn nguyện, và cũng rất đắc ý. Nhưng rồi về sau, cô dần dần cảm thấy giữa hai người dường như thiêu thiếu một điều gì đó, sự bất an đó khiến cho cô thấy như có một sự mất mát mơ hồ. Là điều gì vậy nhỉ? Cô cũng không rõ nữa. Chỉ là khi hai người kết thúc cuộc gọi, cô gái cảm thấy khi mình chưa kịp nói xong một nửa câu "Hẹn gặp lại", thì đầu dây bên kia đã vang lên tiếng "cạch" cúp máy. Mỗi lúc như vậy, cô luôn thấy cái âm thanh chói tai đó như đóng băng lại trong không trung, rồi xuyên vào trong màng nhĩ. Cô cảm thấy dường như người bạn trai mới giống như một cánh diều đứt dây, đôi tay yếu ớt của mình sẽ không thể níu giữ được sợi dây vô vọng đó.

Rồi cũng đến một ngày, hai người cãi nhau. Anh chàng đó chán nản, quay người bỏ đi. Cô gái không khóc, mà cảm thấy như là được giải thoát.

Một hôm, cô gái chợt nhớ đến người yêu đầu tiên, bỗng thấy bùi ngùi: Chàng "ngốc" đợi nghe cô nói xong câu "Tạm biệt". Cảm xúc đó khiến cô nhấc máy. Giọng của chàng trai vẫn chân chất, bình thản như xưa. Cô gái thì chẳng thốt lên lời, luống cuống nói "Tạm biệt"

Lần này cô không gác máy, một xúc cảm khó gọi thành tên khiến cô im lặng lắng nghe sự tĩnh lặng của đầu dây bên kia.
Chẳng biết bao lâu sau đó, đầu dây bên kia vọng đến tiếng của chàng trai, "Sao em không cúp máy?" Tiếng của cô gái như khản lại, " Tại sao lại muốn em cúp máy trước?". "Quen rồi". Chàng trai bình tĩnh nói, "Anh muốn em cúp máy trước, như vậy anh mới yên tâm".

"Nhưng người cúp máy sau, thường cảm thấy nuối tiếc, như vừa để tuột mất một điều gì." Cô gái hơi run run giọng. "Vì vậy, anh thà nhận sự mất mát đó, chỉ cần em vui là đủ." Cô gái không kìm nổi mình, bật khóc, những giọt nước mắt nóng hổi thấm đẫm cả vùng kí ức tình yêu thuở nào. Cuối cùng, cô cũng hiểu ra rằng, người không đủ kiên nhẫn để nghe cô nói hết câu cuối cùng, không phải là người mà cả đời này cô mong đợi.

Hoá ra, tình yêu đôi khi thật giản đơn, chỉ một chút đợi chờ, đã có thể nói lên tất cả.
Xem Thêm →

Tìm và Kể Tên 12 Con Vật Có Trong Bức Tranh

Xem Thêm →
Powered By Blogger

Tổng số lượt xem trang